Vào thời nhà Trần, ở làng Ma-la gần thành Thăng-long có Đặng Sĩ Dinh, tuổi còn trẻ mà đã làm quan to. Ông có một người vợ rất đẹp. Hai vợ chồng yêu nhau rất mực. Nhưng một hôm, nhà vua sai ông đi sứ Trung Quốc. Không thể từ chối, ông đành trở về từ biệt vợ lên đường. Lúc đó, thần thành hoàng làng Ma-la, thừa dịp ông đi sứ vắng, bèn hóa phép biến thành Đặng Sĩ Dinh. Đêm khuya, thần đến gọi cửa. Vũ thị không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy chồng về, bèn hỏi:
– Chàng bảo đi sứ, sao lại còn trở về như vậy?
Thần thành hoàng kiếm cách nói dối rằng:
– Vua đã sai người khác đi thay ta rồi. Thế nhưng vua lại bắt ta ở luôn bên cạnh để hầu cờ, không cho về. Mà ta thì nhớ nàng quá, cho nên chờ khi vua ngủ say, lẻn về ân ái một lúc rồi phải vội vào ngay không dám để vua biết.
Nghe nói, Vũ thị lòng vẫn chưa tin là thực, nhưng hình dạng, cử chỉ và cách ăn nói thì không thể ngờ vào đâu được. Từ hôm ấy, cứ đêm, thần Ma-la lại đội lốt Đặng Sĩ Dinh tới. Và nàng vẫn tự nhiên, coi hắn là chồng cùng chung chăn gối.
Được hơn một năm, Đặng Sĩ Dinh đi sứ về. Ông rất buồn bực khi thấy người vợ yêu của mình có thai, sắp đến ngày đẻ. Nhưng khi tra hỏi, Vũ thị cứ sự thực trả lời. Không biết nên giải quyết thế nào, ông đành làm tờ “trạng” tâu vua. Lập tức, vua sai bắt Vũ thị hạ ngục để tra khảo cho ra thủ phạm.
Nhưng đêm ấy, vua nằm chiêm bao thấy một hung thần đến yết kiến mình; hắn dọa:
– Tôi là thành hoàng làng Ma-la, tôi có đứa con bị Đặng Sĩ Dinh bắt mất. Vậy bệ hạ bảo hắn phải trả con cho tôi. Nếu không, tôi quyết không để cho mọi người yên thân đâu.
Tỉnh dậy, vua rất kinh ngạc và lo lắng, cuối cùng vua cho đòi Dinh đến kể cho nghe giấc mộng đêm qua và phán:
– Thôi! Vợ vẫn là vợ ngươi, nhưng con thì của thần Ma-la.
Ba ngày sau đó, Vũ thị sinh ra một cái bọc, trong có một đứa con trai, tay chân mặt mũi như mọi đứa bé thường, chỉ có khác một điều là da đen như mực. Càng lớn lên, da hắn càng đen và nháng như mỡ. Vua bảo đặt tên cho là Ô Lôi. Vì không biết họ của thần là gì nên vua đặt là họ Hà.
Năm Hà Ô Lôi mười lăm tuổi, vua đưa vào cung để sai bảo, coi như môn khách, đối đãi có phần đặc biệt. Một hôm, Ô Lôi đi chơi về phía cửa Đông, gặp một cụ già ngồi ở gốc cây. Hắn đang bước lững thững thì bỗng cụ già gọi giật lại:
– Thằng bé kia, con có muốn gì không?
Ô Lôi ngạc nhiên:
– Cụ là ai?
– Ta là Lã Đồng Tân đây – ông cụ đáp – Nếu con muốn gì ta sẽ làm cho con được như ý.
Ô Lôi vội sụp lạy:
– Con xấu xí quá, chả ai thèm chơi với con. Con chỉ muốn làm sao có khuôn mặt xinh đẹp, có giọng hát hay để mọi người yêu mình mà thôi.
Ông tiên bảo:
– Tưởng gì chứ muốn cái ấy cũng không khó. Nhưng con nên nhớ: ước muốn đó có hay mà cũng có dở; nó sẽ làm hại con.
Thấy hắn khăng khăng chỉ ước muốn có mỗi một việc ấy, ông tiên bèn bảo hắn há miệng ra rồi nhổ vào một bãi nước bọt bảo nuốt đi. Đoạn ông biến mất.
Từ đó Ô Lôi trở nên xinh trai và thông minh một cách lạ thường. Tuy không biết chữ, hắn cũng làm được thơ vè rất hay; nói năng có duyên và bặt thiệp. Đến giọng hát thì thật là tuyệt. Ai cũng thích nghe hắn hát hoặc kể chuyện, hình như bị một sức quyến rũ. Nhất là đám đàn bà con gái thì lại càng mê mẩn, họ cứ ao ước được xem mặt Ô Lôi mới thỏa. Nhân đó, hắn mới giở thói cợt ghẹo, dụ dỗ cho thỏa tình dục. Thấy hắn có tài, vua lại càng yêu chiều.
Bấy giờ trong hàng tôn thất có nàng quận chúa tên là A Kim, có hiệu là Kim Liên. Đúng với tên gọi, nàng mơn mởn như một đóa sen vàng; cái nhan sắc nghiêng thành nghiêng nước ấy tưởng trên trời không ai bì kịp. Chẳng may năm hai mươi ba tuổi chồng chết, nàng theo lễ thủ tiết thề trọn đời không đi bước nữa. Vua từ lâu vốn có bụng muốn chung tình với nàng nhưng tuy oai quyền là thế mà vẫn không thể nào gần gũi được, vì nàng rất đứng đắn. Một hôm, vua bảo nhỏ Ô Lôi:
– “Mày có cách gì cho ta chung tình với nàng Kim Liên thì ta sẽ trọng thưởng và biết ơn”.
Ô Lôi nghĩ quận chúa là bậc bề trên, lọt vào phủ của quận chúa không khéo có thể mất mạng, huống gì định thả lời ong bướm. Nhưng muốn đẹp lòng vua, hắn nói:
– Thần xin hẹn trong một năm; nếu bệ hạ không thấy về, ấy là thần đã chết mà mưu không thành vậy!
Tâu xong, hắn lạy tạ ra đi. Rồi đó, Ô Lôi cải trang thành một kẻ chăn ngựa bẩn thỉu, đóng khố, quẩy một đôi sọt tìm về phủ đệ quận chúa A Kim. Hắn biếu người gác cổng một gói trầu để xin vào cắt cỏ.
Đám vườn trước nhà quận chúa trồng toàn cây nhài để cho chủ thưởng ngoạn. Buổi ấy vào khoảng tháng Năm, hoa nhài đang hội nở, mùi thơm ngào ngạt. Hắn dùng liềm cắt tất cả hoa bỏ vào sọt. Một người nữ tỳ thấy vậy bèn hô hoán lên cho người nhà ra bắt Ô Lôi. Ô Lôi làm bộ sợ hãi:
– Tôi là kẻ không cha không mẹ, không có chủ, thường đi lang thang làm thuê gánh mướn kiếm ăn. Vừa rồi có ông quan buộc ngựa ở cửa Nam cho tôi năm tiền bảo cắt gánh cỏ. Tôi bụng đói được tiền, mừng quá vào đây, không biết loại cây này quý, tưởng cũng là cỏ nên cắt tất cả. Nay không có gì bồi thường, tôi xin làm tôi tớ để đền nợ hoa.
Nghe nói, bọn chúng cũng thương hại, nhưng đoán hắn có chủ nên bắt giữ lại ở cổng, chờ đợi chủ tới kiếm, bắt chuộc. Từ đó Ô Lôi thường hát cho bọn chúng nghe. Thấy hắn hát hay quá, bọn chúng đem cơm cho ăn, có khi mê mẩn quên mất cả công việc của chủ.
Một hôm, trời vừa xẩm tối, quận chúa ngồi mò trong nhà. Nàng gọi một thôi một hồi mà không có một thị tỳ nào lên thắp đèn cả. Nàng lấy làm lạ, bước xuống giường, vừa đi rảo các buồng vừa gọi. Mãi mới thấy bọn chúng kéo nhau về. Nàng quát mắng, toan nọc xuống đánh; chúng sụp lạy kêu rằng:
– Có đứa cắt cỏ hát hay quá, chúng tôi mải nghe, đành cam chịu lỗi.
Cuối cùng, nàng cũng tha cho bọn chúng mà nói:
– Lần sau nếu còn thế nữa thì quyết trị tội không tha.
Một đêm nọ, trời oi bức, quận chúa cùng các thị tỳ ngồi ngoài sân hóng gió trông trăng. Bỗng từ bên kia bức tường, tiếng hát của Ô Lôi văng vẳng đưa sang. Quả là tiếng hát tuyệt vời làm cho quận chúa phải bồi hồi ngơ ngẩn. Nàng hỏi:
– Đứa nào hát thế?
Bọn thị tỳ đáp:
– Bẩm, đó là đứa cắt cỏ hôm nọ.
– Gọi nó vào ta xem.
Khi thấy mặt Ô Lôi, quận chúa bỗng có thiện cảm. Thế là từ đó Ô Lôi được làm chân nô bộc, ngày ngày hầu hạ trà nước khi có khách khứa, và hát để mua vui cho cả chủ lẫn khách. Hắn nhanh nhẩu được việc nên càng đẹp lòng chủ. Dần dần, ngày một ngày hai, quận chúa đâm ra say mê, rồi cùng hắn dan díu. Nàng toan tậu ruộng làm nhà cho hắn, nhưng hắn không lấy gì cả, chỉ xin cái mũ tiến triều làm kỷ niệm.
Cái mũ ấy trên có dát vàng và đính ngọc, vốn của Tiên đế ban cho nàng để những ngày triều hạ, Tết thì đội vào chầu Thiên tử. Nhưng trong cơn say đắm, nàng vui lòng tặng hắn không tiếc gì cả. Khi được mũ, Ô Lôi trốn thẳng một mạch về cung. Nghe hắn kể chuyện, vua mừng lắm, bèn hạ lệnh đòi quận chúa vào chầu.
Khi Kim Liên đến, đã thấy Ô Lôi đội mũ ngọc đứng bên cạnh vua. Vua hỏi nàng:
– Nhà ngươi có quen người này chăng?
Quận chúa đỏ mặt im lặng.
Từ đó, Ô Lôi được vua nuông chiều một cách lạ lùng, hắn muốn gì được nấy. Vua hạ lệnh cho mọi người biết: Nếu Ô Lôi tư thông với con gái nhà ai mà bắt được giải đến, vua sẽ tạ một nghìn quan tiền. Trái lại, nếu ai tự tiện giết hay làm hắn bị thương thì phải bồi thường một vạn quan. Thiên hạ vì sợ lệnh vua, không ai dám làm gì hắn. Ô Lôi được thể lại càng quá tay, hắn tìm thú vui với con gái các nhà vương hầu.
Một hôm, hắn dan díu với cô con gái Minh Uy vương. Hắn thường lẻn vào phủ để gặp nàng. Minh Uy vương là cha hoàng hậu, quyền thế nghiêng trời. Một hôm, vào lúc xẩm tối, ông ta đang ngồi trên lầu, nhác thấy bóng một người lạ lọt vào cổng vườn. Sinh nghi, ông gọi bọn gia nô lưu ý rình bắt. Quả nhiên cuối cùng họ tóm được hắn trong buồng cô con gái yêu.
Minh Uy vương lòng giận bừng bừng, nhưng nhớ tới lệnh vua, ông cũng ngại không dám giết hắn ngay. Sáng hôm sau, ông ta vào chầu vua, tâu rằng:
– Đêm qua Ô Lôi vào nhà thần. Vì tối tăm không biết là ai nên người nhà đã lỡ tay trót đánh chết. Vậy số tiền đền bao nhiêu, thần xin nộp?
Vua ngỡ là hắn đã chết rồi, lại nể mặt Minh Uy vương, bèn đáp:
– Thôi, đương đêm không biết là ai, đã trót giết rồi thì không phải đền nữa.
Thế là ông ta trở về nhà sai gia nô thân tín dùng gậy đánh Ô Lôi cho kỳ chết. Nhưng không ngờ đánh mấy, hắn vẫn trơ trơ, không bị một thương tích nào. Mãi sau, ông sai bỏ vào cối giã mới chết.
Cũng do truyện này, đời sau khi cô dâu mới về nhà chồng, người ta có tục bắt bước qua cối giã gạo, có mục đích xua đuổi những con quỷ sắc dục như Ô Lôi đi theo quấy nhiễu.
Theo Lĩnh-nam chích quái, đã dẫn.