Ngày xưa, có một anh học trò tên là Hồ Sinh. Gia đình của anh ta không hề thiếu thốn, nhưng ngày đêm anh chỉ khao khát một chút danh phận. Vì vậy, khi nghe nói ở huyện có khuyết chân thơ lại, anh vội bán ruộng cố đi lo lót cho được. Sau mấy phen chạy vạy không xong, anh sực nhớ đến một người bạn học cũ có người thân quen biết với cụ Thượng, bèn tìm đến nhờ vả. Người bạn của Hồ Sinh khi nghe anh bày tỏ ý muốn, liền bảo:
– Người ta có câu “Con trong lừ rưng rưng nước mắt, con ngoài lừ ngút ngoắt muốn vô”. Sao anh không giữ ruộng lại để cày cấy làm ăn, có hơn là phải quỵ lụy để mua mấy cái lo vào người cho khổ?
Nhưng sau mấy lần khuyên nhủ, vẫn thấy nét mặt bạn quả quyết quá, người bạn mới giới thiệu anh với một người bạn khác của mình, và nói:
– Người quen của tôi chẳng có thế lực gì đâu. Sẵn có quen một nhà đạo sĩ trên núi Ba Vì, ông ấy quen biết rất nhiều vị quyền cao chức trọng, có thể hơn cả cụ Thượng nữa. Ông ấy có cách làm cho anh nên công danh. Để tôi viết mấy chữ, ông ấy sẽ vì tôi mà giúp anh hết sức.
Hồ Sinh cầm thư của bạn, tìm đường lên núi Ba Vì. Anh hỏi thăm mãi, cuối cùng đến một cái hang có một phiến đá lớn lấp kín. Theo lời dặn, anh kêu to:
– Có phải đây là hang đạo sĩ không? Nếu phải xin mở cửa cho vào.
Tự nhiên hòn đá xoay ra mở một lối cho anh vào. Phía trong rất im lặng nhưng sáng sủa. Anh bước qua chừng chục bước đã thấy vị đạo sĩ đang nằm trên một cái chõng, miệng nhai trầu, mắt lim dim nghỉ ngơi. Bên cạnh có một cái chõng khác, trên đó là một cơi trầu chỉ còn hai miếng. Tuy có khách mà đạo sĩ cũng không ngồi dậy, chỉ với tay cầm lấy thư đọc, miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm. Một lát sau, nhìn trừng trừng vào mặt khách, nói:
– Ta sẽ cho anh được làm quan. Nào, anh muốn làm quan to hay nhỏ, như thế nào?
Đáp:
– Tôi học hành cũng ít ỏi, chỉ muốn làm một chân thơ lại cũng đã mãn nguyện.
– Được! Anh hãy ngồi nghỉ, ăn một miếng trầu, ta sẽ liệu.
Hồ Sinh rón rén lại ngồi ở giường, lấy một miếng trầu trong cơi ra ăn. Miếng trầu rất ngon. Nhưng vừa nhai giập thì anh đã thiu thiu ngủ.
Sau khi trở về nhà vài ngày, bỗng một hôm có một người lính lệ mang trát đến đòi. Anh sợ quá tưởng có việc gì xảy ra. Nhưng khi vào dinh cụ Thượng, anh được đón tiếp rất niềm nở. Người ta để dành cho anh không phải là chân thơ lại ở huyện, mà là một chân thông biện ở dinh quan Bố tại tỉnh nhà. Công việc chẳng có gì là khó khăn hay tốn kém vì có “tay trong” của nhà đạo sĩ, khiến anh hết sức sung sướng. Thế là từ đó, Hồ Sinh hàng ngày ra vào công đường, dạ dạ, bẩm bẩm khúm núm trước mặt các quan. Ban đầu anh thấy nhục, nhưng mỗi lần đứng trước mặt bọn tổng lý và những người dân có việc đến cửa quan thì lại cho đó là một sự vinh hiển. Ban đầu anh ngần ngại chối từ cả lễ bạt của những người có việc đưa lên lo lót, nhưng dần dần anh bạo dạn và khôn ngoan hơn. Không chỉ thành thạo trong nghề bóp nặn, anh còn học được nhiều mánh khóe làm tiền kỳ lạ, tạo ra những vụ án bất ngờ mà kết quả cả nguyên cáo lẫn bị cáo đều phải đưa tiền bạc vào công đường đút cho anh và quan trên của anh. Vì thế, trong vài ba năm, tiền của của anh bộn bề, anh làm nhà tậu ruộng và sống cuộc đời xa xỉ hơn trước. Anh còn được một phú trưởng giả trong vùng gả con gái cho. Mười năm sau, vợ anh đã sinh được hai trai hai gái và anh được cất nhắc làm một chức quan nhỏ. Một nhà phận vua trang điểm, cuộc đời cứ thế lên như diều, không có ai theo kịp.
Nhưng một ngày kia, giữa lúc Hồ Sinh đang ngồi cho vợ chải đầu thì bỗng có lính lệ cầm trát đến đòi. Anh không nghi ngờ gì cả. Nhưng khi đến dinh cụ Thượng, anh liền bị bỏ ngục. Một viên khâm sai đặc phái cải trang đi thanh tra đã tìm ra được rất nhiều chứng cớ về những vụ tham ô hối lộ của bọn quan tỉnh, mà tất cả đều có liên quan đến anh. Thế rồi, trong khi chờ đợi xử án, những người dân bị vu oan giá họa ngày trước đều đổ xô đến quan khâm sai kiện anh. Đơn kiện cao kể hàng chồng. Ngày xử án anh là một ngày đông hơn hội. Anh bị tử hình không đợi tâu về triều vì quan khâm sai có quyền “tiền trảm hậu tấu”. Trước khi ra pháp trường chịu tội, anh hồi tưởng lại chuyện cũ và ăn năn rằng phải chi mình đừng có lên hang đạo sĩ để nhờ lão ấy chạy chọt thì đâu đến nỗi này.
Hồ Sinh bỗng choàng dậy vì có một tiếng động rất dữ dội. Anh mở mắt thì mới biết mình vẫn còn nằm trên chiếc giường thứ hai của nhà đạo sĩ, chân đạp phải cơi trầu lăn xuống đất đánh choảng một tiếng, miếng trầu còn lại lăn lóc giữa đường. Còn đạo sĩ miệng vẫn còn nhai trầu, mắt lim dim, chợt ngồi dậy hỏi anh:
– Bây giờ chúng ta sẽ bàn một chút. Anh sẽ cầm thư của tôi đến cụ Thượng…
Nhưng lúc này Hồ Sinh không còn đủ can đảm để tính chuyện danh phận nữa. Anh vội nhả miếng trầu đang ngậm ở miệng và cáo từ ra về. Từ đó, anh trở nên một tay làm ăn chăm chỉ trên ruộng đất của mình.